Khuẩn HP gây bệnh dạ dày có nhiều trong nước bọt, cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh, lan truyền sang người lành chủ yếu qua đường ăn uống. 

 

Thống kê của Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam (VNAGE) cho thấy, trên 80% dân số nước ta bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về dạ dày – tá tràng, trong đó có ung thư dạ dày.

 

 

Theo bác sĩ Trương Hiếu Nghĩa, Cố vấn chuyên môn Phòng khám Đa khoa Daisy, vi khuẩn HP rất dễ lây thông qua đường tiêu hóa. Nhiễm HP là một trong những nhiễm khuẩn mạn tính thường gặp nhất ở người. Uớc tính, có hơn nửa dân số trên thế giới đã bị nhiễm khuẩn này, nhiều nhất là ở các nước đang phát triển do điều kiện vệ sinh kém, nước và thức ăn nhiễm khuẩn. HP gây ra khá nhiều bệnh của dạ dày – tá tràng như rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng.

 

 Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra, HP có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh, lan truyền qua người lành chủ yếu thông qua đường ăn uống. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm HP trong cộng đồng nước ta rất cao là do thói quen ăn uống “chung đụng”.

 

Thông thường khi ăn uống người Việt luôn có thói quen chấm chung một chén nước chấm, dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác để tỏ sự hiếu khách. Một số người còn dùng đũa "khua khoắng" hết miếng này đến miếng khác trên đĩa chung trước khi gắp được một miếng ưng ý. Trên bàn nhậu, nhiều người còn đưa ly cho người khác nhấp môi một ngụm để tỏ tình chiến hữu hoặc dùng chung ly uống rượu.

 

Thói quen ăn uống này tưởng như thân tình nhưng nó là con đường để vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất. Bên cạnh đó, sở thích ăn uống ở hàng quán vỉa hè kém vệ sinh càng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn HP, thậm chí viêm gan siêu vi A.

 

Để hạn chế nhiễm khuẩn HP trong cộng đồng, bác sĩ Nghĩa khuyên, trước hết mọi người nên tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân và tránh chung đụng trong ăn uống. Nếu có điều kiện, nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm. Nếu món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên để vào đó một chiếc muỗng sạch dùng chung. Khi dùng đũa cá nhân tránh để đũa chạm vào những phần thức ăn còn lại, gắp nhanh và dứt khoát, không khua khoắng. Không nên dùng chung ly uống nước hoặc rượu để đảm bảo vệ sinh cho mình và cho người. Tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không liếm nước bọt khi đếm tiền, lật giấy…

 

Theo bác sĩ, vi khuẩn HP có thể phát hiện và điều trị sớm. Thông thường bệnh được phát hiện khi có triệu chứng lâm sàng hoặc qua khám sức khỏe đinh kỳ. Do đó, duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ hàng năm là cách để tầm soát HP hiệu quả nhất. Đừng để đến khi có triệu chứng bệnh dạ dày nghiêm trọng mới đi khám thì việc điều trị dứt điểm sẽ trở nên khó khăn hơn.

 

Phương pháp kiểm tra HP đơn giản nhất là xét nghiệm máu. Phương pháp này cho biết bạn đã từng tiếp xúc với vi khuẩn HP chưa (trong vòng 6 tháng) thông qua việc tìm kháng thể. Nếu một người nào đó đã thấy triệu chứng rõ ràng ở dạ dày như đau, khó tiêu, thường xuyên ợ chua, có thể xét nghiệm phân ngay để tìm kháng nguyên HP. Trong trường hợp kết quả dương tính, chứng tỏ rằng HP đang tồn tại và gây bệnh. Khi đó cần xét nghiệm thêm FOB để xem có tổn thương xuất huyết ở đường tiêu hóa hay không.

 

Đối với người có yếu tố nguy cơ và tuổi tác, bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày để phát hiện ung thư dạ dày hay không, đồng thời chẩn đoán xác định chính xác về tình trạng nhiễm khuẩn HP.

 

Bác sĩ cũng khuyên không nên quá lo lắng vì không phải HP nào vào cơ thể cũng gây bệnh. Vi khuẩn cần phải có "bãi đáp" là những tổn thương trong dạ dày như viêm sung huyết dạ dày, viêm loét sẵn thì mới có thể bám trụ và gây ra bệnh. Trường hợp dạ dày tá tràng lành lặn thì HP vào rồi sẽ đi ra theo cơ chế đào thải tự nhiên của cơ thể.

 

Theo bác sĩ Nghĩa, cần tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ, tránh bị stress để ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ cho vi khuẩn HP tồn tại và gây bệnh. Trong gia đình có người thân (cha mẹ, anh chị em ruột, con cái) bị bệnh ung thư dạ dày, bạn có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày. Khi đó cần đề cao cảnh giác không để mình bị lây nhiễm HP.

 

"Những trường hợp này rất cần tầm soát định kỳ để sớm phát hiện HP. Một khi đã bị nhiễm, cần điều trị tiệt trừ nhằm ngăn ngừa biến chứng ung thư dạ dày trong tương lai", bác sĩ Hiếu Nghĩa khuyên.

 

Bác sĩ Hiếu Nghĩa lưu ý, không phải trường hợp nhiễm khuẩn HP nào cũng gây ra ung thư dạ dày, nhưng trong tổn thương ung thư dạ dày thường có sự xuất hiện của vi khuẩn HP. Sự tồn tại của HP trong cơ thể, nếu không phát hiện sớm, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

12/08/2022

Truyền Thuyết Lễ Vu Lan – Mùa Báo Hiếu Cha Mẹ

Truyền thuyết lễ Vu Lan xuất phát từ lòng hiếu thảo của Bồ tát Mục Kiều Liên đại hiếu cứu mẹ. Theo kinh Vu Lan...
ĐỌC TIẾP

27/07/2022

OIC NEW HỢP TÁC ĐỘC QUYỀN CHÍNH THỨC VỚI CÁC ĐỐI TÁC TẠI CHÂU ÂU

Ngày 08/07/2022 đánh dấu dấu mốc quan trọng của OIC New trong việc ký kết hợp đồng phân phối độc quyền tất cả các sản...
ĐỌC TIẾP

13/12/2021

Thông báo sản phẩm Liquid Nano Curcumin OIC có phiên bản mới

Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải (OIC NEW) xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Quý Khách hàng và các Đối...
ĐỌC TIẾP

28/06/2021

OIC NEW – 4 năm sau màn gọi vốn 5 tỷ từ Shark Tank Việt Nam

Shark Tank Việt Nam – thương vụ bạc tỷ không còn quá xa lạ với những start up Việt. Bởi đây là nơi mà nhiều...
ĐỌC TIẾP

26/05/2021

OIC Nano Curcumin tại Sharktank “Thất bại thì ra đường ở thôi”

Coi trong hợp tác quốc tế, liên kết với các doanh nghiệp uy tín trong nước để tạo ra những sản phẩm hữu ích là...
ĐỌC TIẾP

23/02/2019

Công nghệ và đời sống-Thúc đẩy chuyển giao phát triển công nghệ

Với một chính phủ kiến tạo, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
ĐỌC TIẾP
Contact Me on Zalo