Viêm loét dạ dày hành tá tràng là hiện tượng lớp niêm mạc bị tổn thương do hiệu ứng ăn da của acid và pepsin trong lòng dạ dày. Về mặt mô học, viêm loét dạ dày tá tràng được xác định là hiện tượng hoại tử niêm mạc với mức độ tổn thương, kích thước vết loét lớn hơn hoặc bằng 0.5cm (1/5 inch). Viêm loét dạ dày tá tràng thường do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra. Việc dùng các loại thuốc như aspirin, ibuprofen và các NSAID khác cũng có thể gây ra hoặc góp phần làm viêm loét dạ dày tá tràng.
1. Viêm loét dạ dày – tá tràng?
Viêm loét dạ dày tá tràng xuất hiện ở tá tràng (phần đầu tiên của ruột non ngay sau dạ dày) nhiều hơn 4 lần so với ở dạ dày. Khoảng 4% trường hợp viêm loét dạ dày là do u ác tính, do đó cần thực hiện nhiều xét nghiệm để loại trừ ung thư. Trong khi đó, hầu hết loét tá tràng là lành tính. Biểu hiện của một vết loét có thể là vết ăn mòn, vết lõm, hoặc hố như miệng núi lửa (ảnh chụp từ các bệnh nhân), hoặc vết lồi giống như polyp đại tràng. Thông thường loét sẽ ở dưới dạng các vết lõm trong dạ dày và lồi trong tá tràng. Những vết lồi có nhiều hình dạng khác nhau, tuy nhiên luôn nổi lên trên các mô xung quanh.
2. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng
- Nguyên nhân chủ yếu (60% trong loét dạ dày và 90% loét tá tràng) là viêm mãn tính do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra trên niêm mạc hang vị. Cơ chế sinh bệnh cũng bị ảnh hưởng bởi chế độ và thói quen dinh dưỡng.
- Một nguyên nhân khác là sử dụng NSAID do NSAID ngăn chặn chức năng của cyclooxygenase 1 (cox-1) là chất sinh ra chất nhờn prostaglandin giúp bảo vệ dạ dày khỏi acid mà nó tiết ra.
- Tỷ lệ loét tá tràng đã giảm đáng kể trong vòng 30 năm qua do chất lượng sinh hoạt của người dân đã tăng lên, trong khi đó tỷ lệ loét dạ dày lại có sự tăng nhẹ do việc lạm dụng các loại thuốc NSAID.
- Các nghiên cứu gần đây cho thấy hút thuốc, chế độ ăn uống và các loại gia vị, trà và cafe không phải là nguyên nhân đáng kể gây loét dạ dày tá tràng trong các điều kiện sinh hoạt bình thường so với các nguyên nhân ở trên.
3. Triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng
- Đau bụng, thượng vị liên quan tới bữa ăn. Đối với loét tá tràng là đau sau khi ăn khoảng 3 tiếng.
- Đầy hơi và đầy bụng.
- Buồn nôn và nôn.
- Chán ăn và giảm cân.
- Nôn ra máu (có thể do loét dạ dày hoặc tổn thương thực quản do nôn mạnh và liên tục).
- Phân đen và có mùi hôi do sắt trong hemoglobin bị oxy hóa.
- Một số trường hợp loét gây thủng dạ dày tá tràng, viêm phúc mạc, đau cấp tính và do đó cần phải phẫu thuật gấp.
4. Viêm loét dạ dày tá tràng dễ biến chứng
- Xuất huyết dạ dày là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong khi bất ngờ chảy lượng máu lớn. Trường hợp này xảy ra do vết loét ăn vào động mạch dạ dày tá tràng.
- Thủng dạ dày thường gây hậu quả nghiêm trọng, như làm rò rỉ thức ăn từ dạ dày vào khoang bụng. Thủng mặt trước dạ dày thường dẫn tới viêm phúc mạc cấp tính, ban đầu do hóa chất và sau đó là do vi khuẩn. Thủng dạ dày mặt sau thường kèm theo chảy máu do động mạch dạ dày tá tràng nằm ở mặt sau.
- Thủng và lan tỏa là khi vết loét lây sang các bộ phận khác như gan, thận và tụy.
- Loét do vi khuẩn Helicobacter Pylori gây ra làm tăng khả năng ung thư lên từ 3 – 6 lần
5. Chẩn đoán viêm loét dạ dày
Việc chẩn đoán được thực hiện dựa trên các triệu chứng đặc trưng, trong đó đau dạ dày là triệu chứng của loét dạ dày tá tràng. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể không cần chẩn đoán mà chỉ cần một vài xét nghiệm cụ thể và triệu chứng là có thể có kết luận chính xác.
Chẩn đoán xác nhận được thực hiện với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại như nội soi hoặc x-quang. Các chẩn đoán này được thực hiện đối với những trường hợp người trên 45 tuổi hoặc có dấu hiệu giảm cân và không có dấu hiệu tích cực sau vài tuần điều trị vì ung thư dạ dày cũng có các biểu hiện tương tự.
Chẩn đoán Helicobater Pylori có thể được thực hiện bởi:
- Kiểm tra hơi thở Urea hoặc phát hiện urea nhanh
- Nuôi cấy trực tiếp từ mẫu xét nghiệm EGD
- Đo nồng độ kháng thể trong máu
- Xét nghiệm kháng nguyên phân
- Kiểm tra mô học và màu của sinh thiết
Lời khuyên của bác sỹ :
Khi đã bị viêm dạ dày hành tá tràng cần ăn uống các chất mềm, dễ tiêu, nhất là những người cao tuổi có bộ phận răng, hàm đã suy giảm. Không nên ăn chua, cay quá mức, không nên hút thuốc, uống cà phê, trà đặc, bởi vì các chất kích thích này nếu dùng vào chiều tối sẽ làm ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ. Khi giấc ngủ bị rối loạn, không ngủ được hoặc ngủ ít, chập chờn thì bệnh viêm loét dạ dày càng đau và bệnh sẽ nặng thêm. Nên tập thể dục thường xuyên, tùy theo sức khỏe của mình mà chọn lựa phương pháp cho thích hợp.