Bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào? Nguyên nhân gây ra bệnh và cách chữa như thế nào? Nên bổ sung những thực phẩm gì nếu đã mắc viêm xung huyết hang vị dạ dày? Đây là những câu hỏi mà rất nhiều bệnh nhân lo lắng gửi về cho chúng tôi.
Trước khi trả lời những câu hỏi trên, chúng ta tìm hiểu một chút về cấu tạo của dạ dày.
Dạ dày là đoạn phình to nhất trong ống tiêu hóa, phía trên tiếp giáp với thực quản, phía dưới nối với hành tá tràng. Dạ dày có nhiệm vụ quan trọng là dự trữ và tiêu hóa thức ăn. Về hình dạng, dạ dày thường có hình chữ J, xong cũng sẽ thay đổi tùy theo tư thế hoặc thời điểm đói hay no …
Người ta chia dạ dày thành nhiều phần: tâm vị, phình vị, thân vị, hang vị và môn vị. Trong đó, hang vị là phần nằm ngang của dạ dày, từ góc bờ cong nhỏ đến lỗ môn vị. Ngoài ra, dạ dày còn được nhận biết với hai mặt trước và sau, hai bờ cong lớn và nhỏ.
Bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì?
Dạ dày là cơ quan dễ bị tổn thương và viêm nhiễm trong cơ thể bởi những thực phẩm mà chúng ta nạp vào cơ thể hàng ngày. Tùy theo vị trí viêm mà bệnh dạ dày có các tên gọi khác nhau: viêm tâm vị, viêm bờ cong nhỏ, viêm hang vị, viêm loét tiền môn vị,…Thông qua hình ảnh nội soi và tính chất viêm, bác sĩ chia viêm dạ dày thành 7 thể, bao gồm: viêm trợt lồi, viêm trợt phẳng, viêm phì đại, viêm teo, viêm trào ngược dịch mật, viêm xuất huyết và viêm xung huyết. Trong đó, viêm xung huyết hang vị dạ dày là tình trạng phổ biến. Thể này được đặc trưng bởi viêm niêm mạc, các mạch máu vùng viêm dãn nở do ứ máu nhiều (xung huyết).
Viêm xung huyết hang vị mặc dù không nguy hiểm, nhưng nếu không điều trị tận gốc, bệnh sẽ gây ra những triệu chứng khó chịu, viêm nhiễm có thể lây lan sang các vùng khác hoặc xuất hiện các vết loét trên niêm mạc, thậm chí là các biến chứng nguy hiểm như thủng dạ dày, ung thư dạ dày.
Nguyên nhân gây ra viêm xung huyết hang vị và triệu chứng của bệnh?
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do: ăn uống không hợp lý, thiếu khoa học; lạm dụng các loại thuốc giảm đau chống viêm thuộc nhóm NSAIDs, nhóm corticoid; thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá; căng thẳng thần kinh kéo dài (Stress) hoặc nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh là đau bụng vùng thượng vị: đau cồn cào, âm ỉ hoặc dữ dội. Đau thượng vị có tính chất chu kỳ và có thể kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm nếu không điều trị đúng cách. Đi kèm với đau bụng là cảm giác buồn nôn hoặc nôn, ợ hơi, ợ chua và các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, ăn không tiêu. Lâu ngày người bệnh trở nên gầy yếu, xanh xao, chán ăn, mệt mỏi.
Cách điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày hiệu quả?
Để điều trị thành công căn bệnh này không khó. Trước tiên chúng ta cần phải tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây ra bệnh. Khi có các biểu hiện kể trên, người bệnh nên đi khám ở những cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo uy tín. Sau khi được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn về thói quen ăn uống, sinh hoạt cũng như đơn thuốc. Không được bỏ thuốc giữa chừng hoặc tự ý thay đổi phác đồ điều trị. Không tùy tiện sử dụng những loại thuốc truyền tai nhau chưa qua kiểm chứng, nếu sử dụng cần được sự đồng ý của bác sĩ điều trị. Nếu không sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc, bệnh không khỏi dứt điểm và dễ tái phát.
Trường hợp bạn mắc viêm xung huyết hang vị dạ dày có vi khuẩn HP, bạn cần phải điều trị bằng kháng sinh. Ngoài ra, cần sử dụng thêm các thuốc băng niêm mạc dạ dày, trung hòa dịch vị, nuôi dưỡng niêm mạc dạ dày, an thần.
Người mắc viêm xung huyết hang vị dạ dày nên ăn gì?
Vấn đề ăn uống và sinh hoạt đóng một vai trò quan trọng, góp phần nhanh chóng thúc đẩy thành công trong điều trị bệnh. Người bệnh nên lên kế hoạch cho một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học:
– Không nên bỏ bữa hoặc để bụng quá đói hay quá no.
– Hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
– Khi cơn đau xuất hiện, nên ăn một chút hoặc uống 1 ly sữa nhỏ để trung hòa HCl
– Hạn chế những thức ăn có hại cho dạ dày như:
+ Đồ ăn chua: dấm ăn, các loại trái cây chua như chanh, cóc, xoài
+ Đồ ăn cay, nóng: ớt, hạt tiêu,…
+ Các loại thực phẩm giàu chất béo khó tiêu, thực phẩm gây đầy hơi…
+ Thức ăn còn sống: gỏi, nộm,…
+ Thực phẩm chế biến sẵn
+ Rượu bia, nước ngọt có gas, chất có cồn
– Một tuần nên ăn 1-2 bữa cháo hoặc súp để dạ dày có thời gian nghỉ ngơi
– Thường xuyên tập thể dục và thư giãn tinh thần, giảm thiểu căng thẳng đặc biệt là trong bữa ăn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của dạ dày.
– Bổ sung những thực phẩm giúp lành nhanh vết loét như nghệ hoặc các chế phẩm từ nghệ: Nano Curcumin.