Vật liệu và công nghệ nano được cho là sẽ mang lại hàng nghìn tỷ đôla cho nhân loại trong tương lai và có thể giải quyết mọi bài toán về sức khỏe, năng lượng, môi trường… Vấn đề là mỗi quốc gia phải chọn được cách đi phù hợp với thực tiễn.
Triển vọng ứng dụng tuyệt vời của vật liệu nano (nanomaterial) đã được tiên đoán từ những năm 1960 nhưng do hạn chế về công nghệ, mãi đến năm 1989, khi hãng IBM tạo logo công ty từ các cấu trúc vật chất siêu nhỏ, công nghệ nano (nanotechnology) mới được phát triển mạnh mẽ ở các phòng thí nghiệm và được công chúng biết đến.
Vật liệu và công nghệ nano được cho là sẽ mang lại hàng nghìn tỷ đôla cho nhân loại trong tương lai và có thể giải quyết mọi bài toán về sức khỏe, năng lượng, môi trường… Vấn đề là mỗi quốc gia phải chọn được cách đi phù hợp với thực tiễn.
Ở Việt Nam, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu đã phát động nghiên cứu về nano vào năm 1997. Đi sau thế giới không quá chậm, một số viện nghiên cứu, trường đại học đã có bước tiến khá dài với không ít sản phẩm nano bước chân ra thị trường. Để đạt những kết quả có thể chia sẻ, so sánh với các phòng thí nghiệm tiên tiến trên thế giới, họ đã chọn những hướng nghiên cứu có thể tận dụng thành quả từ các nước phát triển và tối ưu hóa sản phẩm phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Có thể kể đến các phòng thí nghiệm đi đầu về vật liệu và công nghệ nano như Viện Khoa học vật liệu – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Công nghệ nano – Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM, ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội…
GS-TS Nguyễn Quang Liêm – Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu – khẳng định: “Bốn nhóm vật liệu và công nghệ nano mà viện đang nghiên cứu – gồm vật liệu quang điện tử, vật liệu từ, vật liệu y sinh và ống nano cácbon – hoàn toàn đạt trình độ quốc tế. Bằng chứng là viện đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có chỉ số ảnh hưởng cao, triển khai nhiều dự án hợp tác với giáo sư nước ngoài. Một số vật liệu nano của nghiên cứu đã được chuyển giao và trở thành sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận”.
TS Lê Thị Hiên – Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ nano sinh học, khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, ĐH Công nghệ – cho biết: “Các vật liệu nano do các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam tạo ra từ công nghệ đơn giản có chất lượng không thua kém thế giới. Những vật liệu phức tạp hơn như cảm biến từ, màng… do phải sử dụng phòng sạch, thiết bị đắt tiền trong khi chúng ta còn hạn chế về máy móc nên chưa theo kịp được. Trong trường hợp này, chúng tôi nhập vật liệu về, biến đổi cấu trúc và tối ưu công nghệ”.
Trong phòng thí nghiệm, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam cũng không thua kém mặt bằng thế giới, nhưng đến nay số sản phẩm phát huy hết giá trị của nghiên cứu vẫn chưa nhiều, phổ biến nhất là nano curcumin và tổ hợp nano curcumin-ginseng-fucoidan FGC, khẩu trang nano, nước rửa tay có nano bạc. Nhiều viện, trường nhờ đầu tư của Nhà nước đã tạo ra các bộ kit chẩn đoán nhanh virus, vi khuẩn… rẻ (so với sản phẩm nhập khẩu) và nhanh (so với một số phương pháp truyền thống đang áp dụng) nhưng cánh cửa thị trường vẫn chỉ mới hé mở.
GS-TS Nguyễn Quang Liêm đưa ra một bài toán còn để ngỏ: “Sản phẩm tốt phải xuất phát từ những nghiên cứu tốt và bài bản, có định hướng rõ ràng. Vì sao lĩnh vực vật liệu nano y sinh lại thành công? Đó là do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và sản phẩm nghiên cứu tốt, có công ty tiếp nhận để sản xuất thành hàng hóa và tổ chức tiêu thụ. Vật liệu và công nghệ dù tốt đến đâu cũng không thể tự ra thị trường để phục vụ xã hội; cần có doanh nghiệp tiếp nhận thành quả nghiên cứu, sản xuất, phát triển thị trường. Thiếu hay tắc ở khâu này, kết quả nghiên cứu tốt vẫn chỉ dừng ở phòng thí nghiệm”.
Nguồn: Theo Báo Khoa Học & Phát Triển
http://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/cong-nghe-nano-o-viet-nam-khong-cham-so-voi-the-gioi-nhung-kho-chuyen-giao/20170413090212213p1c859.htm