Chỉ trong năm 2017, gần chục cán bộ nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam rời viện ra bên ngoài làm. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về tình trạng chảy máu chất xám ở các viện nghiên cứu những năm qua. Trong khi đó, chính sách ưu đãi ban hành 4 năm, chưa nhà khoa học nào hưởng lợi.
Cán bộ nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ gene, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Loan Lê.
Cả một phòng nghiên cứu rời viện.
Theo PGS.TS Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khoảng 15 năm trở lại đây, Viện Công nghệ Sinh học cử hơn 200 cán bộ ra nước ngoài đào tạo, song chỉ có khoảng 20-30% về Việt Nam làm việc. Một nửa trong số 20-30% đó về lại Viện Công nghệ Sinh học, nơi cử cán bộ đi đào tạo. Tuy nhiên, sau khi về viện, rất nhiều cán bộ ra bên ngoài làm việc.
Theo PGS.TS Chu Hoàng Hà, tình trạng chảy máu chất xám diễn ra mạnh mẽ, chỉ riêng năm 2017 có khoảng gần chục cán bộ của Viện Công nghệ Sinh học ra bên ngoài làm, thậm chí cả một phòng chuyển việc. PGS Hà chia sẻ, thu nhập trung bình của cán bộ trẻ ở Viện khoảng 4-5 triệu đồng, TS ở nước ngoài về, cả lương, cả thực hiện đề tài mới được khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Hầu hết các cán bộ chuyển ra ngoài làm cho doanh nghiệp hoặc giảng dạy tại các trường đại học dân lập. Có những cán bộ ở Viện ra bên ngoài làm được trả lương tới 120 triệu đồng/tháng, bằng thu nhập cả năm khi ở Viện. Khi giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học dân lập, thu nhập cũng khoảng 20-30 triệu đồng, vì thế nên Viện không có cách nào giữ chân người giỏi được, cán bộ đầu tàu trong nghiên cứu.
PGS Hà chia sẻ khó khăn trong việc tuyển cán bộ trẻ, hiện nay chính sách không cho phép viện tuyển thư ký hợp đồng chuyên môn nhiệm vụ. Trong khi tính chất của một đơn vị nghiên cứu không phải cứ tốt nghiệp đại học là tuyển vào biên chế. Một sinh viên mới ra trường phải được đào tạo, thử thách làm quen với việc nghiên cứu rồi cử đi nước ngoài, thông thường mất 5-7 năm. “Để giữ các bạn ấy 5-7 năm đấy mà mình không có dạng hợp đồng để các bạn ấy yên tâm làm việc thì bản thân cán bộ trẻ thấy không được trân trọng, cũng không có gì ràng buộc nên nhiều cán bộ ra nước ngoài là ở lại luôn”, PGS Hà chia sẻ. Chưa kể, nhiều người khi về nước rơi vào tình huống bị sốc, lương thấp, điều kiện làm việc kém so với nước ngoài, các mối quan hệ công việc chưa quen nên dễ dàng ra làm việc bên ngoài.
Theo PGS Hà, nguy cơ lớn nhất của chảy máu chất xám là viện nghiên cứu, ngành khoa học sẽ không còn nhiều cán bộ xuất sắc, đầu tàu. Trong khi đó, người xuất sắc mới tạo được khác biệt, tỷ lệ nhà khoa học xuất sắc cao mới tạo ra được đột biến. Ông Hà so sánh, thập niên 70, 80, những người xuất sắc nhất, học giỏi nhất, bằng đỏ từ các nước Đông Âu mới được về Viện Hàn lâm làm việc, trong khi bây giờ việc thu hút cán bộ trẻ vô cùng khó khăn.
Trong buổi gặp mặt với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mới đây, GS.TS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng chia sẻ, việc tuyển biên chế mới là hết sức khó khăn do Viện có yêu cầu rất cao về chuyên môn nhưng lại không có khả năng đáp ứng mức lương hấp dẫn cho những người xuất sắc. Nhiều cán bộ trẻ rất xuất sắc của Viện có tổng thu nhập dưới 10 triệu/tháng.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, việc tuyển mới các nghiên cứu sinh cho các ngành khoa học và công nghệ là rất khó khăn do những bất cập trong chính sách tiền lương, cơ chế thanh quyết toán. Trong khi đó, để hình thành một nhóm nghiên cứu mạnh về một hướng nghiên cứu chuyên sâu cần thời gian liên tục từ 10-15 năm. Với việc xét duyệt kinh phí, đề tài như hiện nay thì rất khó có thể hình thành một nhóm nghiên cứu đủ mạnh, giải quyết triệt để vấn đề.
Chính sách ban hành 4 năm, chưa nhà khoa học nào được hưởng lợi.
Để tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà khoa học về làm việc, ngày 12/5/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 40 về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ. Nghị định quy định chính sách đãi ngộ với 3 nhóm nhà khoa học gồm Nhà khoa học đầu ngành, Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và Nhà khoa học trẻ tài năng.
Theo quy định, Nhà khoa học đầu ngành được cấp kinh phí hàng năm để thực hiện các hoạt động của nhóm nghiên cứu xuất sắc thuộc lĩnh vực chuyên môn. Được hỗ trợ kinh phí sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm trọng điểm khác, hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu, tham dự hội thảo khoa học chuyên ngành, hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành tại Việt Nam. Ngoài ra, được hưởng ưu đãi hàng tháng bằng 100% mức lương hiện hưởng.
Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng sẽ được chủ động sử dụng kinh phí được giao theo phương thức khoán chi, được bố trí, sử dụng nhân lực thực hiện nhiệm vụ được giao, được hưởng mức lương tương đương chuyên gia cao cấp bậc 3 và hưởng ưu đãi hàng tháng bằng 100% mức lương trước thời điểm được giao nhiệm vụ. Ngoài ra, được bố trí phương tiện đi lại, nhà ở công vụ, sử dụng miễn phí các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác để thực hiện nhiệm vụ.
Với nhà khoa học trẻ tài năng sẽ được xét tuyển dụng đặc cách không qua thi vào làm việc trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và hưởng hệ số lương 5,08. Được ưu tiên cử tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ chuyên ngành, được ưu tiên cử đi thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức khoa học và công nghệ ở nước ngoài, ưu tiên giao trực tiếp chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng. Được xem xét hỗ trợ kinh phí sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác, hỗ trợ kinh phí công bố kết quả khoa học và công nghệ, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế và giống cây trồng.
Mặc dù nhiều ưu đãi như vậy song theo tìm hiểu của Tiền Phong, chưa có một nhà khoa học nào được hưởng chính sách đãi ngộ của Nghị định 40 dù thông tư hướng dẫn đã quy định khá chi tiết, rõ ràng. Theo Viện Hàn lâm, các văn bản về trọng dụng và đãi ngộ các nhà khoa học không sát thực tế và khó triển khai.
Khoảng 15 năm trở lại đây, Viện Công nghệ Sinh học cử hơn 200 cán bộ ra nước ngoài đào tạo, song chỉ có khoảng 20-30% về Việt Nam làm việc. Một nửa trong số 20-30% đó về lại Viện Công nghệ Sinh học, nơi cử cán bộ đi đào tạo. Tuy nhiên, sau khi về viện, rất nhiều cán bộ ra bên ngoài làm việc.