Một nghiên cứu mới đây vừa cho thấy chiết xuất thảo mộc Astragalus polysaccharides từ cây hoàng kỳ có thể kích thích khả năng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng giúp tôm tiêu diệt mầm bệnh.
Ứng dụng của Astragalus polysaccharide trong nuôi trồng thủy sản
Astragalus polysaccharides (APS), trích xuất từ gốc của cây Hoàng Kỳ (Astragalus membranaceus), một loại thảo mộc dược liệu truyền thống trong y học cổ truyền.
Trong nuôi trồng thủy sản đã có nhiều ứng dụng của chiết xuất từ cây hoàng kỳ như: Sử dụng chiết xuất từ cây hoàng kỳ để phòng ngừa bệnh gan thận mủ do vi khuẩn (Edwardsiela ictaluri) trên cá tra, (Nguyễn Hồng Loan, 2010).
Rễ hoàng kỳ là một loại dược liệu phổ biến trong y học cổ truyền
Trong nuôi tôm, Astragalus polysaccharides có thể được sử dụng như một phụ gia thức ăn an toàn và hiệu quả. Liều tối ưu của Astragalus polysaccharides đối với tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương được cho là 0,2 g/kg dựa trên kết quả của nghiên cứu của Z.-Q. Chang và cộng sự (2017).
Nghiên cứu trước đây của Qianqian Zhai (2018) cũng đã cho thấy trong các nhóm phối hợp thuốc Astragalus polysaccharides (APS) và florfenicol (FFC) bổ sung trong chế độ ăn có tác dụng hiệp đồng đối với khả năng miễn dịch của tôm thẻ và kháng bệnh sau khi thử thách với chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (VP AHPND ) gây AHPND.
Tăng cường miễn dịch của tôm thẻ
Chlorogenic acid là một nhóm hợp chất polyphenol hình thành thông qua liên kết ester giữa quinic acid với các trans-cinnamic acid có nhiều trong hạt cà phê. Nghiên cứu trước đây Yun Wang (2015) đã cho thấy chlorogenic acid CGA – có tác dụng điều biến kép đối với khả năng chống oxy hóa của tôm thẻ chân trắng và có thể là một phụ gia thức ăn tiềm năng có thể nâng cao sức đề kháng của tôm trước các áp lực môi trường.
Dưới đây là kết quả thí nhiệm của Yanjun Ding và cộng sự đăng trên Fish & Shellfish Immunology 30/10/2020 về đáp ứng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng khi bổ sung chiết xuất thảo dược Astracalus polysaccharides vào chế độ ăn.
Nghiên cứu này đánh giá tác dụng chiết xuất thảo dược Astragalus polysaccharide (APS) kết hợp với chlorogenic acid (CGA) và berberine (BBR) lên hệ miễn dịch của tôm thẻ chân trắng.
Bốn công thức thảo dược đã được chọn cho các thí nghiệm cho ăn và ảnh hưởng của chúng đối với khả năng miễn dịch và tổn thương trên phân tử sinh học của tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei đã được nghiên cứu.
Astragalus polysaccharides giúp tăng cường miễn dịch trên tôm thẻ. Ảnh: Darryl Jory
Thử nghiệm trong ống nghiệm cho thấy sự kết hợp của APS + BBR và sự kết hợp của APS + CGA có tác dụng tăng cường miễn dịch của tôm thẻ mạnh mẽ và không có tổn thương màng lysosome của tế bào máu tôm.
Sau đó, thí nghiệm cho ăn được tiến hành để tìm nồng độ tối ưu hóa của các hợp chất chiết xuất từ thảo dược khi bổ sung vào chế độ ăn . Trong nghiên cứu này là sự kết hợp của 0,5g APS/kg và 0,5g CGA/kg thức ăn, được sử dụng trong 6 ngày sau đó là 6 ngày cho ăn theo chế độ ăn bình thường. Kết quả chỉ ra rằng (0,5g APS/kg + 0,5g CGA/kg thức ăn) cho thấy tổng số lượng huyết cầu cao hơn, hoạt động thực bào, hoạt động kháng khuẩn và hoạt động tiêu diệt vi khuẩn trong 6 ngày cho ăn và không có tổn thương phân tử sinh học sau 6 ngày sau khi ngừng thuốc.
Do đó, công thức chất kích thích miễn dịch thích hợp trong nghiên cứu này là sự kết hợp của 0,5g APS/kg + 0,5gCGA/kg thức ăn, được sử dụng trong 6 ngày sau đó là 6 ngày cho ăn với chế độ bình thường.
In vitro and in vivo immunologic potentiation of herb extracts on shrimp (Litopenaeus vannamei) by Yanjun Ding, Luqing Pan, Guorui Gao, Hui Huang.
Nguồn: Tép Bạc