Thứ 4, ngày 25 tháng 10 năm 2023, tại Phòng Hội thảo, tầng G, nhà A1, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân số 207 Đường Giải Phóng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy thị trường KHCN. Tại hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia, các Doanh nghiệp KHCN trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  1. Thực trạng thị trường KH&CN ở nước ta

Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là môi trường pháp lý, đầu tư và thương mại, nơi diễn ra quan hệ giao dịch, trao đổi, mua bán hàng hóa KH&CN được vận hành có sự định hướng, điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước. Trong những năm qua, thị trường KH&CN đã được hình thành, từng bước được hoàn thiện và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Thứ nhất, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KH&CN đã được kiện toàn từ trung ương đến địa phương. Trước năm 2011, trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, chưa có đơn vị nào được giao nhiệm vụ làm đầu mối thực hiện chiến lược phát triển thị trường KH&CN. Do đó, dựa trên nhu cầu và cơ sở thực tiễn như vậy, ngày 08/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 890/QĐ-TTg thành lập Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH&CN và doanh nghiệp KH&CN. Đây là bước ngoặt đối với việc phát triển thị trường KH&CN tại Việt Nam khi đã có một cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đầy đủ các nội dung quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH&CN. Tại địa phương, các Sở KH&CN cũng có đơn vị trực thuộc phụ trách lĩnh vực này.

Thứ hai, nguồn cung hàng hoá KH&CN ở nước ta được hình thành ngày một phong phú và đa dạng từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học và các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chiếm khoảng 25% thị phần hàng hoá KH&CN được các doanh nghiệp nước ta tiêu thụ. Nhiều kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường đã được chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Thứ ba, nhu cầu và năng lực hấp thu, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp ngày càng cải thiện. Trong giai đoạn 2016-2020, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chú trọng hơn tới hoạt động nghiên cứu-phát triển (NC&PT) và đổi mới công nghệ (ĐMCN), và thấy được hiệu quả đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh của mình. Nếu như năm 2016 tổng

chi phí các doanh nghiệp dành cho NC&PT và ĐMCN (chủ yếu là chi cho nghiên cứu, ứng dụng, chế tạo thử nghiệm) khoảng 18,5 nghìn tỷ, thì đến năm 2020 con số này đã là gần 36,5 nghìn tỷ, gấp đôi so với năm 2016. Tốc độ tăng kinh phí dành cho NC&PT và ĐMCN trung bình khoảng 18,5%/năm.

Bên cạnh đó, trên 800 tổ chức trung gian đã được hình thành, trong đó có 20 sàn giao dịch công nghệ tại địa phương và 2 sàn giao dịch công nghệ cấp vùng, 01 diễn đàn công nghệ – thiết bị Techmart online. Cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN và Nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp (IPPlatform.gov.vn) đang hoạt động có hiệu quả. Các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH&CN như chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), ngày hội khởi nghiệp ĐMST (Techfest), và các triển lãm chuyên ngành công nghệ thông tin, truyền thông (ICT Comm), nông lâm ngư nghiệp (Growtech), …được tổ chức với quy mô quốc tế, quốc gia, vùng và địa phương đã tạo được hiệu ứng tích cực trong việc xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, thúc đẩy các hoạt động kết nối, giao dịch công nghệ.

Trong giai đoạn 2012-2018, giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN tăng với tốc độ bình quân hàng năm đạt 20,9%, một số lĩnh vực tăng mạnh như chế biến thực phẩm tăng 24,2%, tài chính ngân hàng tăng 24,4%, đặc biệt lĩnh vực điện tử máy tính tăng 30,5%. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trung bình giai đoạn 2016-2020 tăng 12,47% (tăng 16,82% so với giai đoạn 2011-2015). Việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đạt được nhiều thành tựu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu đã đạt đến 53,2 tỷ USD vào năm 2022, hướng đến xuất khẩu là 55 tỷ USD trong thời gian tới. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng số giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 18,9% vào năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020.

2. Những khó khăn cần được tháo gỡ

Thứ nhất, mặc dù thời gian qua, hành lang pháp lý cho phát triển thị trường KH&CN đã hình thành và từng bước được hoàn thiện, song vẫn tồn tại không ít bất cập. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 cùng các văn bản hướng dẫn đang tập trung chủ yếu vào việc tạo lập hành lang phục vụ quản lý nhà nước, phạm vi hoạt động khoa học và công nghệ theo 02 Luật này còn hạn chế, chưa thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp và viện trường, chưa khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào thị trường khoa học và công nghệ; chưa gắn sản phẩm đầu ra của nhiệm vụ khoa học và công nghệ với thực tiễn và với thị trường. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý hiện hành còn tồn tại sự khác biệt và thiếu đồng bộ, các chính sách chưa thực sự đi vào đời sống. Đây là những hạn chế, điểm nghẽn cơ bản cần được tháo gỡ để thị trường KH&CN có thể được vận hành một cách thông suốt và hiệu quả hơn.

Thứ hai, thị trường KH&CN còn thiếu vắng các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm, đặc biệt là các tổ chức trung gian điển hình, có khả năng dẫn dắt mạng lưới các tổ chức trung gian; thiếu đội ngũ tư vấn, môi giới chất lượng cao. Vai trò của các tổ chức trung gian, đặc biệt là các tổ chức có chức năng xúc tiến, định giá công nghệ chưa thể hiện được chức năng kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ và còn mờ nhạt. Số lượng giao dịch thông qua các sàn giao dịch công nghệ và các tổ chức trung gian công nghệ còn thấp (chiếm 5% tổng số các giao dịch công nghệ trên thị trường).

Thứ ba, hàng hoá KH&CN được cung cấp từ các viện nghiên cứu, trường đại học ở nước ta hiện nay còn rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, mặc dù các viện, trường có rất nhiều kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ quan trọng. Phần lớn hàng hoá KH&CN (75%) có nguồn gốc nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc (25%) và Đài Loan (Trung Quốc) (16%). Doanh thu mang lại được từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ của viện, trường còn thấp, giá trị hợp đồng mang lại được từ chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 30% so với tổng ngân sách dành cho khoa học và công nghệ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là phần lớn kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học ở nước ta chưa sẵn sàng thị trường, tức còn ở dạng chưa hoàn thiện, chưa thực sự thành hàng hoá KH&CN, có thể lưu thông trên thị trường; hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ chưa thực sự được quan tâm đúng mức, còn thiếu các chính sách khuyên khích thương mại hoá, tạo động lực mạnh mẽ cho chủ sở hữu và tác giả của các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Ngoài ra, việc hợp tác giữa viện, trường và doanh nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo, cung cấp nhân lực và tư vấn chuyển giao công nghệ, còn lại hợp đồng cùng nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ chưa được thực hiện nhiều.

Thứ tư, các doanh nghiệp còn chưa thực sự quan tâm mua sắm hàng hoá KH&CN, yếu tố chuyển giao công nghệ trong các giao dịch mua bán còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp còn chưa thực sự quan tâm mua sắm hàng hoá KH&CN một phần vì năng lực tài chính có hạn, năng lực tiếp thu, hấp thụ công nghệ mới còn hạn chế và đặc biệt do chưa hiện hữu sức ép phải cạnh tranh trong môi trường sản xuất kinh doanh, đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng tiếp thu, áp dụng, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá trên thị trường. Việc sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp còn chưa hiệu quả, một phần là do chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể.

Thứ năm, việc phát triển thị trường KH&CN tại các địa phương vẫn còn hạn chế hoặc không có. Việc triển khai các cơ chế, chính sách tại các địa phương còn lúng túng, khó khăn. Các cơ quan quản lý địa phương thiếu thông tin về giá cả của tài sản trí tuệ tương

tự trên thị trường KH&CN. Các tổ chức KH&CN của các tỉnh, thành phố (chủ yếu là công lập) chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm phải thực hiện quy định về giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định.

3. Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển thị trường KH&CN trong thời gian tới

Thứ nhất, tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường KH&CN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch, chương trình phát triển KH&CN của Chính phủ.

Thứ hai, đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính cùng với đó là hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật tích hợp dùng chung về thị trường khoa học và công nghệ.

Thứ ba, thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường khoa học và công nghệ trên cơ sở đẩy mạnh hoạt động sáng tạo tri thức, công nghệ mới đáp ứng nhu cầu thị trường tại các viện nghiên cứu, trường đại học, tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh; thực thi chính sách nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện môi trường vừa để phát triển kinh tế vừa để phát triển năng lực làm chủ khoa học và công nghệ nguồn, tiên tiến của đất nước.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ thông qua các biện pháp: tạo áp lực cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và kết nối cung cầu giữa bên mua và bên bán; có các chính sách để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, khơi thông các nguồn tài chính, phục vụ hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Thứ năm, nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian nhất là các tổ chức lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng mới nổi, chủ lực; khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian thuộc khu vực tư nhân. Đầu tư để phát triển các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm, kết nối liên thông với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới.

Thứ sáu, đẩy mạnh việc xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ tại các địa bàn có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường, các thị trường tiềm

năng mà Việt Nam có lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Tăng cường tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ quy mô vùng, quốc gia và quốc tế.

Thứ bảy, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trình độ cao của thị trường khoa học và công nghệ. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ, đẩy mạnh kết nối trung ương với địa phương, viện trường với doanh nghiệp và người dân.

Thứ tám, tổ chức triển khai và thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021, đồng thời tập trung xây dựng và triển khai Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh.

4. Một số gợi ý chính sách cho Thành phố Hà Nội

4.1 Một số kết quả đạt được của Hà Nội trong phát triển thị trường KH&CN

Thứ nhất, thời gian qua hoạt động KH&CN của thành phố Hà Nội nói chung và phát triển thị trường KH&CN nói riêng đã đạt được một số kết quả đánh ghi nhận. Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.

Thứ hai, Hà Nội đã quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực KH&CN trên địa bàn, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu, từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.

Thứ ba, Tiềm lực KH&CN được quan tâm đầu tư phát triển. Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đầu tư hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổimới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT). Hiện đang xây dựng đề án Vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội.

Thứ tư, bố trí nguồn nhân lực, nỗ lực không ngừng và đóng góp nhất định cho việc hình thành và phát triển thị trường KH&CN tại Việt Nam.

Thứ năm, thị trường KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Các sản phẩm KH&CN đã và đang trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng.

Thứ sáu, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực KH&CN tiếp tục được tăng cường thông qua việc tổ chức, tham gia các sự kiến kết nối cung-cầu công nghệ (Techmart, TechDemo, Techfest…); các hội nghị, hội thảo liên ngành, liên vùng.

Thứ bảy, hoạt động quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH&CN là một trong những nhiệm vụ trọng yếu được quan tâm hàng đầu. Hàng năm, các sự kiện kết nối cung – cầu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức (Techmart, Techdemo, Techfest) đều được thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai hiệu quả. Hoạt động ươm tạo công nghệ từ các kết quả đề tài nghiên cứu các cấp cũng được triển khai với nhiều kết quả, nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa và xuất khẩu. Liên kết vùng, miền được tạo ra, thông tin được kết nối thông suốt.

Thứ tám, việc khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp đã được quan tâm.

4.2. Tồn tại, hạn chế.

Một là, hoạt động KH&CN của thành phố Hà Nội chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô.

Hai là, việc phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng vẫn còn hạn chế. Thị trường KH&CN của Thủ đô còn manh mún, chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố của thị trường, hiệu quả chưa cao; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và môi chuyển giao công nghệ. Số lượng công bố khoa học quốc tế của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước nhưng việc chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế. Việc nhân rộng mô hình nghiên cứu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp còn chậm.

Ba là, chưa huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư phát triển thị trường KH&CN: Số doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp được thu hút tham gia, chủ trì các đề tài, đặc biệt là dự án SXTN nhằm tạo ra được công nghệ mới và trực tiếp đưa kết quả nghiên cứu, thử nghiệm vào sản xuất thành các sản phẩm thương mại, còn rất ít so với tổng số doanh nghiệp của Thủ đô, số doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới cũng còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn1. Do đó, chưa phát huy tốt vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong liên kết với các viện, trường trên địa bàn và hiệu quả đầu tư nghiên cứu KH&CN của doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong giai đoạn 2013-2020 trong tổng số 668 nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố chỉ có 51 nhiệm vụ do doanh nghiệp chủ trì (chiếm 7,6%) (gồm 17/356 đề tài, chiếm 3,1% và 34/90 dự án SXTN chiếm 37,7%) với tổng kinh phí hơn 249 tỷ đồng (chiếm 21,3%) trong tổng số kinh phí là 1.170 tỷ đồng chi cho các nhiệm vụ KH&CN. Trong đó nguồn NSNN cấp cho các nhiệm vụ KH&CN do doanh nghiệp chủ trì chỉ chiếm 10,3% chi của NSNN cho 668 nhiệm vụ KH&CN.

Bốn là, chính sách quản lý KH&CN của Thành phố chưa có những đổi mới đột phá, chưa tạo được cơ chế thông thoáng, thuận lợi, khai thác tối đa tiềm lực cơ sở vật chất và nguồn lực chất xám của các trường đại học, viện nghiên cứu của Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô tham gia nghiên cứu khoa học, cũng như chưa huy động được các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học cùng với nhà nước, đặc biệt là các hoạt động sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ.

Năm là, chính sách ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô chưa thực sự rõ ràng, chưa phát huy tác động tích cực như kỳ vọng, thiếu cơ chế liên kết các tổ chức có hoạt động hỗ trợ hiệu quả và đủ mạnh để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiếu hành lang pháp lý cho việc thực hiện một số cơ chế chính sách có tính đột phá nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phù hợp với yêu cầu đầy thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

4.3. Kiến nghị cho thành phố Hà Nội

  • Triển khai Chương trình phát triển thị trường KH&CN gắn với hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội, kết nối toàn quốc và quốc tế. Hình thành, phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ, đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ, môi giới mua bán chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ…
  • Xây dựng Sàn Giao dịch công nghệ thành phố Hà Nội tiến tới là sàn giao dịch công nghệ quốc gia kết nối liên thông với các trung tâm công nghệ lớn của khu vực và thế giới; Tổ chức điều tra thống kê và nguồn lực công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
  • Tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo của Thủ đô, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học trên địa bàn là chủ thể nghiên cứu mạnh.
  • Kết nối nền tảng trực tuyến về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thành phố Hà Nội với hệ sinh thải khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp trong các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm tăng cường hoạt động ứng dụng, triển khai và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
  • Phát huy vai trò “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
  • Xây dựng các mô hình triển lãm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là mô hình trình diễn, phổ biến kiến thức, tạo điều kiện môi trường cho các hoạt động giữa nghiên cứu và triển khai, ứng dụng công nghệ và thương mại hóa công nghệ cao, làm nền tảng thúc đẩy năng lực cạnh tranh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thành phố và cả nước.

Tại hội nghị có các bài trình bày tham luận và trao đổi giữa các chuyên gia trong lĩnh vực KHCN. Trong đó có Nhà sáng chế Lưu Hải Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ mới Nhật Hải là doanh nghiệp KHCN hàng đầu tại Việt Nam về lĩnh vực nano ứng dụng trong Y dược, Thủy sản, Chăn nuôi. Với tài sản trí tuệ là 20 bằng độc quyền sáng chế và GPHI đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp, cùng với hơn 100 nghiên cứu sáng chế về nano hóa các hợp chất thiên nhiên. Tại hội nghị ông Minh có bài tham luận về chủ đề:

Định giá sáng chế/giải pháp hữu ích tạo bước đột phá phát triển doanh nghiệp KHCN và thị trường KHCN trong thời kỳ CMCN4.0: Giải pháp cho Hà Nội

Ông Lưu Hải Minh cho rằng: “Định giá công nghệ, tài sản trí tuệ là một trong những yếu tố quan trọng của quá trình thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ. Mặc dù vậy, hiện nay, những chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động này vẫn còn thiếu, nhất là những biện pháp hỗ trợ của Nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động định giá công nghệ, tài sản trí tuệ. Vì vậy, cần có những giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm phát triển hoạt động định giá công nghệ và tài sản trí tuệ tại Việt Nam”.

Qua đó ông Lưu Hải Minh cũng đề xuất các giải pháp, kiến nghị với các cơ quan, các cấp lãnh đạo Thành phố Hà Nội để thị trường KHCN và định giá sáng chế được quan tâm đặc biệt, là tiên phong đúng với giá trị, lợi ích mà sáng chế/GPHI mang lại cho xã hội:

  • Hà Nội nên là địa phương tiên phong về Định giá Sáng chế / GPHI
  • Cần thiết lập Hội đồng định giá Sáng chế / GPHI với các thành viên từ Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Hà Nội, Các Ngân hàng Thương mại được chỉ định.
  • Thí điểm cho các DNHKCN tại Hà Nội được vay vốn nghiên cứu Công nghệ từ Quỹ KHCN Hà Nội với phương án tín chấp từ chính định giá bới Hội đồng định giá Sáng chế / GPHI.
Nhà sáng chế Lưu Hải Minh trình bày tham luận tại Hội nghị

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

30/03/2024

OIC NEW tham dự Khai mạc hội nghị toàn quốc Quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024

Ngày 29/3 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ...
ĐỌC TIẾP

30/03/2024

Sự Kỳ Diệu của Nano NO+: Sản Phẩm Thực Phẩm Bảo Vệ Sức Khỏe Vượt Trội cho người bị các vấn đề về tim mạch.

Trong cuộc đua không ngừng của công nghệ hiện đại, Công ty Cổ phần Công Nghệ Mới Nhật Hải đã nghiên cứu và cho ra...
ĐỌC TIẾP

25/03/2024

OIC NEW và Công Ty Tập Đoàn Mai Phương ký kết Hợp đồng hợp tác chiến lược trong phân phối Sản Phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nano

Ngày 24 tháng 3, 2024 – Công ty Cổ phần Công Nghệ Mới Nhật Hải (OIC NEW) và Công ty Cổ phần Tập Đoàn Mai...
ĐỌC TIẾP

16/03/2024

Sáng Chế: Quy Trình Điều Chế Hệ Tự Vi Nhũ Nano Fisetin

Ngày 13/03/2024, Cục Sở Hữu Trí Tuệ đã chính thức cấp sáng chế cho Quy Trình Điều Chế Hệ Tự Vi Nhũ Nano Fisetin được...
ĐỌC TIẾP

03/03/2024

Hiệp Hội Những Người Lao Động Sáng Tạo Việt Nam vinh danh Nhà sáng chế Lưu Hải Minh

Năm 2023, trong bước chuyển mình của nền kinh tế và sự phát triển toàn diện của Việt Nam, phong trào thi đua “Lao Động...
ĐỌC TIẾP

27/02/2024

Những nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh của Khúng khéng

Khúng khéng là cây to, có nguồn gốc ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới Đông – Bắc á gồm Trung Quốc, Nhật...
ĐỌC TIẾP

29/01/2024

Nano Melatonin: Giải pháp tối ưu cho giấc ngủ ngon

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tình trạng mất ngủ đã trở thành một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người...
ĐỌC TIẾP

13/12/2023

OIC NEW tham gia triển lãm kết quả phát triển tài sản trí tuệ Hà Nội năm 2023

Sáng 12/12, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức Triển lãm kết quả phát triển tài sản trí tuệ Hà Nội năm...
ĐỌC TIẾP
Contact Me on Zalo